Người thợ đang thao tác chế tác đồ trang sức tại Batubulan Gianyar, Bali.
Xưởng chế tác bạc ở Batubulan Gianyar, Ubud, Bali vẫn duy trì khoảng 100 thợ làm việc đều đặn để giữ nghề truyền thống không bị mai một trước sự phát triển như vũ bão của xã hội ngày nay.
Giữa cái náo nhiệt của cuộc sống hiện đại, những ngọn lửa lò vẫn cháy, để nuôi người và nuôi nghề. Được truyền dạy từ nhiều thế hệ thợ đi trước dày dạn kinh nghiệm, những lứa thợ sau vẫn đang tiếp nối đầy sáng tạo các kỹ thuật truyền thống.
Lò luyện chế tác đồ mỹ nghệ tại Batubulan Gianyar, Bali.
Ông Pangurah, một thợ lành nghề có 20 năm kinh nghiệm cho biết, mỗi ngày ông làm được khoảng 5 sản phẩm, để học nghề thì từ 6 tháng đến 1 năm là bắt đầu làm được, nhưng ban đầu chỉ làm những sản phẩm đơn giản. Tất cả các công đoạn đều có cái khó riêng, khó nhất là làm những chi tiết hoa văn nhỏ sao cho sắc nét. Phải qua rất nhiều công đoạn mới hoàn thành được 1 cái nhẫn hay bông tai hoàn chỉnh.
Cô Dasning, một thợ nữ hiếm hoi trong khu xưởng chia sẻ vừa nhận được đơn đặt hàng chế tác một chiếc nhẫn mặt ngọc theo yêu cầu của khách. Nó sẽ được làm hoàn toàn thủ công, mà không dùng máy móc. Qui trình làm rất nghiêm ngặt, mỗi công đoạn đều có kiểm tra vì đơn đặt hàng rất đắt t.iền, nên phải rất cẩn thận và tỉ mỉ. Cô đang chuẩn bị gắn viên ngọc vào chiếc nhẫn và cho biết sẽ chịu trách nhiệm, nếu chưa hoàn hảo sẽ phải làm lại.
Đồ vàng bạc chế tác của Bali có những dấu ấn riêng ẩn trong những họa tiết tương đồng với kiến trúc nhà cửa, đền đài, mà không nơi nào khác có được… Mỗi sản phẩm đều tinh xảo và độc đáo. Một chiếc nhẫn, chiếc vòng cổ hay đôi hoa tai được rất nhiều du khách chọn như một món đồ lưu niệm có giá trị sau chuyến du lịch đến Bali.
Để nhận biết những sản phẩm đặc trưng Bali thì dựa vào các hoa văn độc đáo riêng của Bali, nó khác với những nơi khác như Java, Sulawesi hay Sumatra. Các sản phẩm có những đặc điểm riêng, nét riêng, có thể là nét thiết kế trang trí của người Bali trong những ngôi nhà truyền thống, hay những hoa văn trên tường của các ngôi chùa hay đền thờ.
So với trước đây, chỉ sản xuất các sản phẩm theo mẫu mã truyền thống, thì giờ đây việc chế tác theo đơn đặt hàng hoặc theo các mẫu thiết kế hiện đại, đã phổ biến hơn, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách.
Không chỉ chế tác đồ trang sức, những người thợ Bali còn chế tác nhiều sản phẩm trang trí nhà cửa, góp phần làm đẹp các kiến trúc. Đặc biệt, một khối tượng rồng bằng bạc nguyên chất lớn đã tạo nên một dấu ấn mới cho nghề chế tác kim hoàn của Bali.
Khối tượng 9 rồng đúc từ 720kg bạc nguyên chất được công nhận là bức tượng rồng bằng bạc nặng nhất thế giới.
Tại Bảo tàng Naga Sanga Amurwa Bhumi, ở Batubulan Gianyar trưng bày một quần thể tượng gồm 9 con rồng, được đúc từ 720kg bạc nguyên chất. Các nét tinh xảo, được chau chuốt hoàn toàn thủ công đã thể hiện tay nghề đẳng cấp của những người thợ thủ công truyền thống của Bali.
20 thợ chế tác bạc lành nghề đã làm việc liên tục trong suốt 5 năm rưỡi để hoàn thành khối tượng bề thế này. Đây là một bảo tàng tư nhân, được thành lập để tăng cường bảo tồn nghệ thuật và văn hóa truyền thống của Bali.
Bà Anna, du khách Australia chia sẻ: Nó rất đẹp, rất khác biệt với các bảo tàng ở đất nước Australia của tôi, tôi thật may mắn khi được biết đến nó trong chuyến du lịch này.
Anh Fandy, một du khách Ấn Độ đang thăm bảo tàng cùng gia đình, chăm chú ngắm nghía khối tượng, cho biết: Tôi thấy nó thật sự rất hoành tráng, rất đẹp. Tôi chưa thấy tượng rồng lớn thế này bao giờ. Con rồng rất cầu kỳ. Đây sẽ là kỷ niệm đẹp của gia đình anh.
Bức tượng rồng độc đáo này đã nhận được g.iải t.hưởng Bảo tàng Kỷ lục Thế giới Indonesia và được công nhận là bức tượng rồng bằng bạc nặng nhất thế giới.
Chứng nhận bức tượng rồng bằng bạc nặng nhất thế giới.
Ông Nyoman Masta, người quản lý bảo tàng Naga Sanga Amurwa Bhumi, cho biết, 9 con rồng ở đây tượng trưng cho 9 hướng trong vũ trụ. Người Hindu tại Bali coi rồng là biểu tượng của sự thịnh vượng, sức mạnh, chiến thắng và sự cân bằng. Ông hy vọng sẽ có nhiều du khách tới đây tham quan hoặc nhận được nhiều đơn đặt hàng chế tác sản phẩm vàng, bạc.
“Điều đó cũng giúp duy trì nghề truyền thống của chúng tôi, giúp nghề tiến bộ và phát triển ngày càng lớn mạnh hơn để bảo tồn văn hóa, phong tục và nghệ thuật thủ công của Bali”, ông chia sẻ.
Con rồng bằng bạc lớn nhất thế giới này đã trở thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Bali và đặc biệt là để họ biết đến nhiều hơn về những nét văn hóa đặc trưng của người theo đạo Hindu và về nghề thủ công truyền thống, nghề chế tác vàng bạc của người Bali.